Ở Đà Nẵng có một quán cơm phục vụ người nghèo với giá chỉ 1.000 đồng/suất. Ngoài cơm, khi đến đây, bà con có thể tìm thấy những vật dụng, áo quần để mang về… Người khởi xướng việc mang lại hơi ấm cho người nghèo này là một chàng trai 34 tuổi.
Quán cơm 1.000 đồng/suất nằm ở nhà số 8 đường Đỗ Ngọc Du, quận Thanh Khê, Đà Nẵng, phục vụ từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Mỗi ngày, quán chỉ mở cửa một lần vào khoảng 11 giờ 30 phút và thường bán hết cơm chỉ sau 50 - 60 phút. Mặc dù thời gian được niêm yết công khai, nhưng bà con thường đến rất sớm. Bà Hoàng Thị Thọ, 57 tuổi, quê ở Quảng Ngãi lên Đà Nẵng bán vé số cho biết: “Có lần tui về muộn, hết cơm, phải ăn nơi khác đắt gấp 15 lần”. Cùng đến sớm như bà Thọ nhưng ông Nguyễn Viết Năng, 62 tuổi, quê Quảng Nam, làm nghề mài dao, lại có một tâm nguyện khác: “Cô chú bán 1.000 đồng/suất cơm là giúp tui rồi, nên tui tới sớm xem có… giúp lại gì cho các cô chú đây không. Tui có thể lau bàn, quét nhà và mài dao… Tui muốn chia sẻ một phần vất vả với quán”.
Từ ngày có quán, những hộ nghèo trong phố Đỗ Ngọc Du cũng thấy lạc quan hơn, nhất là đối với những người đi làm thuê, buổi trưa không kịp về lo cơm nước cho bọn nhỏ ăn đi học. Chị Văn Thị Sương, nhà có hai con nhỏ kể: “Tui đi làm thuê, buổi trưa phải lật đật chạy về lo cơm nước cho con. Có hôm về muộn, ba mẹ con chỉ kịp ăn ba cái bánh mì rồi ai đi đường đó. Giờ có quán, những buổi tui không về kịp thì hai đứa nhỏ sang quán ăn nhờ”.
Theo nhân viên của quán, hằng ngày quán đón rất nhiều khách, thường là người làm nghề xe ôm, vé số, học sinh, sinh viên và cả những người đang chăm người nhà chữa bệnh ở một số bệnh viện gần đó. Ngoài ra, hằng ngày, nhân viên của quán còn mang gần 10 suất cơm đến tận nhà phục vụ những người già, neo đơn… Một nhân viên trong quán chia sẻ: “Làm việc ở quán, bọn em cũng học được nhiều điều. Thí dụ, có những cô chú lớn tuổi vẫn ra đường lao động kiếm sống, ăn cơm trả tiền chứ không cầu cạnh người khác. Quán bán cơm 1.000 đồng/suất, nhưng khi có tiền, họ sẵn sàng trả nhiều hơn. Gần quán có ông Đỗ Linh, nghệ sĩ, thi thoảng đưa cả nhà qua ăn rồi trả tiền nhiều gấp 100 - 150 lần/suất. Nhiều anh chị khác có điều kiện, thi thoảng còn chở gạo, muối mắm, dầu ăn, áo quần cũ đến quán để chia sẻ với mọi người”.
Nói về ý tưởng hình thành quán cơm, anh N.H.P, 34 tuổi, chia sẻ: Cách đây hơn chục năm, khi còn là sinh viên, tui trọ học gần chợ ông Địa, TP Hồ Chí Minh. Hồi đó, sống chung phòng với hai người bạn đều là con nhà nghèo. Có những ngày ba người phải chia nhau một gói mì, nhưng không ai dám viết thư về xin tiền cha mẹ, vì biết ở quê cũng vất vả. Tui mở quán vì muốn chia sẻ với những hoàn cảnh như vậy. Mình giúp mọi người có cái ăn, để có sức đi học, lao động.
Lúc mở quán, anh N.H.P. kể tiếp: "Vợ chồng tui bàn tính nhiều lắm. Tui tính mở miễn phí, nhưng bà vợ cản, vì ngại người nghèo tự ái không tới ăn, nên đề ra mức giá 1.000 đồng/suất. Người tới ăn nếu không có tiền cũng không sao. Ngoài gạo, ga, muối mắm, mỗi ngày chi thêm 400.000 đồng cho hai chị cấp dưỡng đi chợ. Chừng đó tiền bảo đảm suất cơm có một ít thịt kho, quả trứng cút, rau dưa, canh. Lúc mở quán, tui cũng gặp may, được anh chủ nhà cho thuê giá rẻ, chỉ ba triệu đồng/tháng. Tiếp đó là hai chị cấp dưỡng đang làm thuê cho người ta bảy triệu đồng/người/tháng cũng nhận lời về giúp với mức 100.000đồng/người/ngày".
Quán hoạt động từ cuối tháng 10 năm ngoái, đến nay có khoảng 100 - 120 thực khách thường xuyên. Trong tương lai, nếu số lượng thực khách tăng thêm thì quán sẽ tăng suất ăn. Anh N.H.P. cho biết: “Chúng tôi vẫn nhất quán với mục tiêu ban đầu. Đó là toàn bộ tiền thu được từ việc bán cơm được chuyển cho Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng. Quán xin tiếp tục làm cầu nối tấm lòng của mọi người đến người nghèo, với điều kiện: Không nhận ủng hộ bằng tiền, không nhận ủng hộ thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Và trên hết, không phân biệt đối xử với những người đến quán của mình”.
Nguồn:http://www.nhandan.com.vn/xahoi/item/31957602-quan-com-1-000-dong-o-da-nang.html